Kế sách " Bè bờ tát cá " là kế sách thứ bảy trong nhóm kế sách " Tư tưởng kinh doanh"
| ||
KẾ 07: BE BỜ TÁT CÁ 1. Câu chuyện xuất xứ Ở một làng quê nọ cũng như ở bao làng quê khác ở nông thôn Việt Nam, những người nông dân chung sống với nhau hòa thuận. Họ chăm chỉ cày cấy, trồng trọt, đời sống sung túc. Năm ấy, lại đến kỳ tát cá ao làng. Từ sáng sớm, mọi người đã cầm nơm, đó xúm đông xúm đỏ quanh ao để đợi tát cá và hôi cá. Già làng đứng giữa đám đông cất lời: - Năm nào tát cá người làng ta cũng xảy ra xích mích. Trước nhất là vì khi tát, cá nhảy sang các ao xung quanh khiến một số nhà được lợi. Thứ nhì là nhân lúc tát cá nhiều người nhảy vào hôi cá gây ra sự tranh giành hỗn loạn. Năm nay, bà con hãy cùng nhau be cao bờ ao rồi tát cạn nước, bắt sạch cá và chia đều cho tất cả mọi người, như thế sẽ công bằng hơn. Nghe già làng nói có lý, mọi người cùng hò nhau lấy bùn đắp thật cao, thật chặt quanh bờ ao làng rồi tát cạn nước trong ao, thu sạch được mẻ cá lớn. Già làng đứng ra chia đều cá cho mọi người, ai nấy đều vui vẻ. Và cứ thế cho đến sau này, cả làng lại dùng cách “be bờ tát cá” mỗi khi đến kỳ tát cá ao làng. Cuộc sống ngày càng đầm ấm, hoà thuận và sung túc hơn. 2. Cốt lõi câu chuyện : Từ câu chuyện trên, có thể thấy rằng nhờ be bờ mà dân làng đã thu hoạch được hết cá. Trong cuộc sống, nếu biết suy xét thấu đáo, lường trước tính sau và giải quyết dứt điểm, triệt để vấn đề thì kết quả sẽ vẹn toàn. 3. Áp dụng trong kinh doanh: Trước mọi tình huống kinh doanh, người làm ăn có tầm nhìn xa trông rộng phải biết đưa ra các giải pháp toàn diện, suy trước tính sau, lường trước mọi tình huống thì mọi việc sẽ thành công. Người ta còn gọi kế sách này là “Chu toàn kế”
MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH
1. Phương pháp kinh doanh hình tam giác Ở Nhật Bản có một người kinh doanh hàng dược phẩm, ông ta có mở hai cửa hàng nhưng việc buôn bán không được thuận lợi lắm. Một lần đi dạo, ông tình cờ nhìn thấy bọn trẻ chơi trò đánh trận giả ở giữa một bãi đất lớn. Cậu bé đóng vai chỉ huy của đội áo xanh lọt vào vòng phục kích và lập tức 2 cậu lính áo đỏ từ 2 phía xông ra bắt. Cậu chỉ huy kia vừa mập vừa khỏe, chạy vòng vo một hồi khiến cho 2 cậu lính nhỏ con không thể nào bắt được. Đúng lúc đó, phía đội đỏ cử thêm một cậu bé nữa ra hỗ trợ, 3 chàng khép kín từ 3 phía và nhanh chóng bắt gọn được cậu mập kia. Nhìn thấy cảnh đó, ông chủ cửa hàng dược chợt nảy ra ý nghĩ tại sao lại không tạo ra hệ thống cửa hàng theo hình tam giác nhỉ? Như thế sẽ tạo ra sự liên kết giữa các cửa hàng với nhau và việc chiếm lĩnh được khách hàng trong hình tam giác đó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Thế là ông ta liền di chuyển bớt một cửa hàng ra xa hơn và mở thêm một cửa hàng nữa tạo thành thế hình tam giác bao quanh thành phố. Quả nhiên việc buôn bán trở nên thuận lợi không ngờ. *Cách thức áp dụng kế sách: Như vậy, mỗi cửa hàng chỉ có thể thu hút các khách hàng trong một phạm vi bán kính nhất định nhưng nếu mở các cửa hàng theo chuỗi hình tam giác thì sẽ tạo ra sự giao thoa khép kín toàn bộ đối tượng tiêu dùng trong cả 3 khu vực ấy, như thế việc kinh doanh ắt sẽ tiến triển hơn. Việc thành lập các cửa hàng theo hình tam giác có những lợi thế như sau: - Một là các cửa hàng trong cùng một hệ thống có thể hỗ trợ mật thiết cho nhau về nguồn hàng, nếu một cửa hàng hết thuốc thì có thể nhận được chi viện kịp thời từ hai cửa hàng còn lại. - Hai là, mỗi cửa hàng trong hệ thống có thể kiêm nhiệm vụ quảng cáo cho 2 cửa hàng kia. - Ba là, các cửa hàng cùng liên kết với nhau để nhập hàng sẽ giúp cho giá nhập hàng giảm xuống vì mua với số lượng lớn, đồng thời chủng loại mặt hàng cũng phong phú hơn nhiều. Như vậy sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh với các cửa hàng khác trong cùng khu vực. - Bốn là, các cửa hàng tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc, vừa khép kín được toàn bộ khách hàng trong khu vực dân cư lớn, vừa khiến cho đối thủ cạnh tranh không thể chen vào được. Việc hình thành chuỗi cửa hàng hình tam giác chính là khởi nguồn của phương thức kinh doanh nhượng quyền hay còn gọi là franchise đã được đề cập đến ở số đầu tiên của chương trình. Khi người chủ không đủ năng lực tài chính cũng như không thể quản lý cùng lúc quá nhiều cửa hàng thì họ buộc phải tiến hành nhượng quyền để đảm bảo việc phát triển thương hiệu của mình. Kế sách “Be bờ tát cá” có thể vận dụng linh hoạt trong nhiều tình huống đa dạng của đời sống kinh doanh. Tôi xin đưa ra một ví dụ về việc vận dụng kế sách này trong việc quản lý thảm họa, câu chuyện như sau: 2. Nỗ lực giữ gìn danh tiếng Tylenol là một thương hiệu thuốc giảm đau của công ty Johnson & Johnson, do không chứa aspirin nên hiệu quả điều trị khá tốt và được tiêu thụ rất mạnh. Khoảng gần cuối năm 1982, có 7 người ở Chicago bị ngộ độc và xuất hiện tin đồn rằng nguyên nhân là do uống thuốc giảm đau Tylenol. Thông tin này bị lan truyền nhanh chóng khiến uy tín của Johnson & Johnson ảnh hưởng nghiêm trọng. Người tiêu dùng không chỉ tẩy chay loại thuốc Tylenol mà còn không mua các loại thuốc khác do công ty sản xuất khiến cho Johnson & Johnson đứng trước nguy cơ bị phá sản. Trước tình thế hiểm nghèo, công ty đã lập tức đưa ra một loạt những quyết sách nhằm cứu vãn danh tiếng của mình. - Thứ nhất, họ tiến hành nghiên cứu phân tích những viên thuốc mà các nạn nhân đã uống. Kết quả cho thấy những viên thuốc này đã bị kẻ xấu tiêm độc chất Xyanua nên mới dẫn đến tử vong.
- Thứ ba, công ty tuyên bố thu hồi lại sản phẩm từ tất cả các điểm tiêu thụ, sẵn sàng đổi thuốc mới miễn phí cho khách hàng đã mua thuốc cũ. - Thứ tư, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, công ty tuyên bố sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản xuất sản phẩm mới dạng bao kín an toàn. - Thứ năm, công ty treo giải thưởng 100 nghìn đô la cho bất cứ ai nếu cung cấp được những thông tin về hung thủ gây độc. - Tiếp đó, đến tháng 5 năm 1983, thông qua vệ tinh, Johnson & Johnson đã tổ chức họp báo truyền hình cùng lúc với 30 thành phố lớn của Mỹ, tuyên bố đã khôi phục được sản xuất và chứng minh sự phát triển lớn mạnh của mình. Bằng sự nỗ lực đồng bộ, cuối năm đó công ty còn nhận được giải thưởng do Hội quan hệ công cộng Hoa Kỳ trao tặng, chứng minh cho uy tín của Johnson & Johnson đã được phục hồi hoàn toàn. *Cách thức áp dụng kế sách: Đây là một ví dụ điển hình nhất về việc quản lý thảm họa trong kinh doanh. Công ty Johnson & Johnson đã bình tĩnh suy xét và đưa ra một hệ thống giải pháp mang tính toàn diện, khép kín để giải quyết triệt để khủng hoảng của mình. Khi sự cố xảy ra, lãnh đạo công ty đã lập tức chủ động tìm khiếm khuyết trong sản phẩm, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để công khai xin lỗi cũng như giải thích với người tiêu dùng, đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc thu hồi sản phẩm cũ và đưa ra sản phẩm mới an toàn. Chưa dừng lại đó, sau khi khủng hoảng chấm dứt, công ty còn tổ chức họp báo như một thông điệp gửi tới đông đảo người tiêu dùng rằng chúng tôi đã khôi phục được sản xuất và đang phát triển trở lại với những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn trước. Nhờ vậy mà công ty đã giải quyết dứt điểm được tin đồn cũng như sự hoài nghi của người tiêu dùng trên diện rộng, nhanh chóng lấy lại được niềm tin của khách hàng. Hiện nay, hình thức phục vụ trọn gói (full-service) khá phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam tuy khá vất vả nhưng công ty nào làm tốt thì thành công thu được sẽ lớn hơn, bởi vì khi mọi nhu cầu mong muốn của mình đều được giải quyết một cách hoàn hảo thì khách hàng sẽ tin cậy và trung thành với công ty hơn. Đó cũng là một hình thức “Be bờ tát cá” 3. Phục vụ toàn phương vị Ở Mỹ, có một công ty chuyên phục vụ lễ cưới. Cách kinh doanh của họ khá đặc biệt. Công ty tạo lập một đội ngũ nhân viên khai thác thị trường đông đảo và tỏa đi rộng khắp, bằng các kênh khác nhau họ thu thập thông tin về việc kết hôn của thanh niên Mỹ rồi lưu trước vào hồ sơ theo dõi để sẵn sàng phục vụ. Khi biết một đôi nam nữ nào đó sắp kết hôn, công ty bèn phái người đến giới thiệu và thuyết phục họ sử dụng các dịch vụ của công ty. Công ty sẽ đứng ra lo trọn gói cho đám cưới như: chọn địa điểm, trang phục, quay phim chụp ảnh, in ấn và phát thiếp mời,...Cách làm này đã thu hút được rất nhiều khách hàng. Không chỉ thế, biết rằng sau lễ cưới các đôi vợ chồng sẽ đi hưởng tuần trăng mật nên không có thời gian để trang trí và sắp đặt vật dụng trong nhà. Công ty lập tức đề nghị được nhận việc này. Họ tìm hiểu tỷ mỉ nhu cầu và sở thích của đôi vợ chồng đó để bố trí căn nhà sao cho hài hòa đẹp mắt nhất. Và khi trở về nhà sau tuần trăng mật, khách hàng cảm thấy rất hài lòng vì mọi thứ đều đã được sắp đặt đâu vào đấy. Công ty còn âm thầm theo sát các khách hàng mà mình đã từng phục vụ. Khi biết cô dâu có mang, họ cử nhân viên đến tận nhà để tư vấn thời kỳ thai nghén, giới thiệu và mua hộ các chất dinh dưỡng. Rồi đến kỳ sinh nở, công ty còn tiếp tục phục vụ cho mẹ và mua hộ sữa, quần áo, đồ chơi, thuốc men cho con. Nhận thấy sự phục vụ chu đáo, tận tình của công ty mà khách hàng đến đây ngày một đông, đa số khách hàng còn ký hợp đồng dài hạn hàng chục năm liền. Vì thế công việc kinh doanh của công ty luôn tiến triển và phát đạt. *Cách thức áp dụng kế sách: Có thể thấy chiến thuật “be bờ” của công ty trên như sau: - Đầu tiên, họ giăng nhân viên khai thác thị trường khắp nơi để thu thập nhu cầu của thị trường, sau đó lưu thành các bộ hồ sơ và theo dõi thường xuyên. - Khi đối tượng nào đó kết hôn, họ lập tức tiếp cận và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ trọn gói của mình. - Sau đó, công ty thường xuyên bám sát cuộc sống của khách hàng và luôn đi trước đón đầu mọi nhu cầu của khách. Vì vậy, khách hàng luôn bị đặt vào tình thế bị động và không thể từ chối dịch vụ mà công ty đưa ra. - Đặc biệt, công ty còn thuyết phục được khách hàng ký hợp đồng lâu dài, có thể nói là đã khiến khách hàng bị vây triệt để và gắn bó vô thời hạn với công ty. Đây đúng là “Be bờ tát cá”. 4. Phân chia tầng bậc Có một công ty chuyên sản xuất đồ điện tử khá nổi tiếng ở Trung Quốc tên là Trường Hồng. Chính công ty này đã mạnh dạn nghiên cứu và tiên phong cho ra đời loại tivi màu điều khiển từ xa theo mặt phẳng góc vuông 21 inch. Loại tivi này có tới 19 công năng nổi trội như: nút bấm hẹn giờ, có đồng hồ, tự động tắt máy,... Ngay lập tức sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng cao cấp trong nước. Biết chắc rằng sản phẩm mới thành công thì các đối thủ cạnh tranh sẽ tìm cách sản xuất sản phẩm tương tự để tranh giành thị phần với mình, vì thế phải có phương án đối phó lâu dài. Mặt khác, sản phẩm hiện tại chỉ phục vụ được một nhóm đối tượng tiêu dùng có thu nhập cao, tức chưa “vây bắt” được hết nhu cầu của hơn 1 tỷ dân, Ông giám đốc của công ty Trường Hồng đã suy tính và đưa ra một loạt quyết sách mang tính toàn diện và lâu dài. Ông vẫn cho tập trung sản xuất loại tivi 21 inch với 19 công năng chuyên phục vụ những khách hàng có thu nhập cao, mặt khác ông âm thầm nghiên cứu để cho ra đời thêm 16 loại tivi điều khiển từ xa với kiểu dáng và công năng khác nhau phù hợp với túi tiền và sở thích của mọi đối tượng khách hàng. Vì thế, khi các đối thủ cạnh tranh nhái lại sản phẩm tivi 21 inch loại 19 chức năng ban đầu của Trường Hồng thì công ty này đã lập tức cho ra loạt sản phẩm khác. Cứ như thế, các đối thủ cạnh tranh luôn phải chạy theo Trường Hồng và thường là thua cuộc. *Cách thức áp dụng kế sách: Như vậy, công ty Trường Hồng đã có tầm nhìn sâu xa, luôn dự tính trước mọi trường hợp có thể xảy ra. Việc không ngừng đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm không những giúp công ty có thể “be bờ” được toàn bộ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn tạo ra thế chủ động, linh hoạt trước các đối thủ cạnh tranh, khiến cho các đối thủ luôn bị bủa vây trong trùng điệp và không thể nào xoay sở kịp đành phải đầu hàng. Đó chính là “be bờ tát nhiều loại cá”. Đây cũng chính là lý thuyết phân đoạn thị trường, một công ty khi phát triển đến một tầm nào đó họ sẽ tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau để lấp đầy các khoảng trống của thị trường khác nhau. Ví dụ như các sản phẩm của Unilever chẳng hạn chỉ riêng dầu gội đầu Sunsilk đã có tới vài chục loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng như: dùng cho tóc khô, tóc nhờn, tóc thường, tóc chẻ ngọn, tóc gầu, ...Hay cũng là bột giặt nhưng Omo thì dành cho đối tượng thu nhập cao, Viso dùng cho đối tượng có thu nhập thấp hơn,... 5. Chu toàn từ những việc nhỏ Người làm kinh doanh thường xuyên phải gặp đối tác, đi chào hàng hay có những buổi thuyết trình, vì thế sự chuẩn bị càng kỹ càng, chu đáo bao nhiêu thì thành công thu được càng lớn bấy nhiêu. Ví dụ như đi chào hàng chẳng hạn, cần phải chuẩn bị tài liệu giới thiệu về sản phẩm thật tỷ mỷ, phong phú, người đi chào hàng phải là người hiểu rõ về sản phẩm nhất, kể cả những nhược điểm của nó để khi khách hàng hỏi đến bất cứ chi tiết nào cũng có thể giải đáp một cách thỏa đáng nhất. Hoặc trước khi gặp đối tác, cần phải tìm hiểu họ là người như thế nào? tính cách ra sao? Sở thích đặc biệt là gì?...để có thể đưa ra cách tiếp cận thích hợp nhất. Ngoài ra, khi đến gặp đối tác thì từ hình thức cho đến tác phong, thái độ, giọng nói cũng phải đúng mực, khéo léo để tạo được thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, như vậy sẽ thành công dễ dàng hơn. Hay như trong thuyết trình, mặc dù ta đã chuẩn bị chu toàn nhưng mọi sự cố đều có thể xảy ra. Ví dụ như máy móc thiết bị đột nhiên hỏng hóc, nếu không có sẵn phương án dự phòng thì coi như mọi sự chuẩn bị công phu suốt bao nhiêu ngày tháng trước đó đều đổ sông đổ bể hết. Hoặc như công tác chuẩn bị các hồ sơ dự thầu chẳng hạn, nhiều khi chỉ vì lỗi rất nhỏ như văn bản làm chưa chuẩn với form mẫu hay sai lỗi chính tả sẽ gây ấn tượng xấu và ta sẽ ngay lập tức bị loại khỏi cuộc. Nếu mọi sự đều được chuẩn bị kỹ càng, thấu đáo, có lường trước tính sau thì thành công ắt sẽ nằm trong tầm tay. 6. Không thể bỏ qua chi tiết nhỏ nhất Hồi cuối những năm 80 thế kỷ trước, sau khi khối SEV ( Khối thị trường kinh tế XHCN cũ) tan rã, các ngành sản xuất của Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng đều đứng trước tình thế hết sức khó khăn. Nguyên nhân là do trước đây, các đơn hàng đều là do nhà nước đưa về, mặc dù là buôn bán nhưng mang nặng hình thức trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và những nước trong khối. Trong tình hình mới, các doanh nghiệp dệt may phải tự tìm thị trường cho mình. Sau những lần tiếp xúc đầu tiên với đối tác, hàng Việt Nam bị trả lại do không có thương hiệu . Doanh nghiệp Việt Nam đành chấp nhận gia công cho các thương hiệu của nước ngoài.. Khi cầm những chiếc áo do phía ta giới thiệu, phía đối tác tỏ ra rất bực mình và nói rằng “Sao lại mang đồ thứ phẩm sang chào hàng?”. Phía ta rất ngạc nhiên, giải thích rằng đây là những mẫu hàng hóa mới nhất, tốt nhất, chất lượng cao, chất vải cao cấp lại được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Lúc đó phía đối tác mới chỉ ra những vết dầu máy rất nhỏ trên tay áo, những đường chỉ chưa cắt hết. Vụ chào hàng coi như thất bại. Có thể thấy rằng mặc dù đã đầu tư biết bao tiền của vào máy móc công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng chỉ vì chủ quan, sơ xuất trong khâu kiểm tra chất lượng, hoàn thiện sản phẩm. Chỉ vì bỏ sót những mối chỉ rất nhỏ mà mặt hàng đó đã bị từ chối và bị coi là hàng phế phẩm. Thật là một bài học lớn từ những việc nhỏ.. |
Friday, July 26, 2013
Bè bờ tát cá
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment