Pages

Subscribe:

Monday, July 8, 2013

BỎ MẬN GIỮ ĐÀO

Kế sách " Bỏ mận giữ đào" là kế sách thứ năm trong nhóm kế sách " Bảo toàn kinh doanh"
KẾ 05: BỎ MẬN GIỮ ĐÀO
1.Câu chuyện xuất xứ
Có một cây mận mọc cạnh một cây đào. Chúng sống cạnh nhau trên cùng một mảnh đất, chung nhau cùng một nguồn nước. Do vậy hai cây quấn quít chia ngọt sẻ bùi và trở nên vô cùng thân thiết. Từ khi cây đào ra hoa và bói lứa quả đầu tiên, cây mận càng chở che bảo vệ cho người bạn của mình.

Năm ấy thời tiết bỗng trái gió trở trời, sâu bọ kéo đến phá phách, cả hai cây đang tươi tốt có nguy cơ bị tàn phá. Thấy vậy, Mận nói với Đào rằng: “Lũ sâu bọ này không tha hai chị em ta đâu. Chị đã ra hoa kết trái phải được bảo vệ, còn em sau này chưa biết sẽ ra sao. Do vậy chị nên tạm ngừng hút chất bổ và nguồn nước dưới lòng đất, làm cho thân gày lá héo, khiến lũ sâu bọ không màng tới. Còn em sẽ tự làm cho mình thật tươi tốt để thu hút chúng. Như thế, nếu em có làm sao thì chị vẫn còn sống được, bằng không cả hai chị em ta đều chết”.

Đào hết mực từ chối, muốn cùng được sống chết với Mận. Nhưng thấy lý lẽ Mận nói rằng thà mất một vẫn hơn là mất cả hai thì đành xót xa chấp nhận. Nó gạt nước mắt làm theo lời Mận.

Đúng như dự đoán, lũ sâu bọ trông thấy Mận xanh tốt, đầy nhựa sống bèn lao vào xâu xé cho đến chết, trong khi thấy Đào đã xơ xác héo úa nên không thèm bén mảng. Nhờ vậy mà Đào đã không chết.

Rồi mọi tai ương cũng đi qua, Đào lại hút nhựa sống từ trong lòng đất mà phục hồi, xanh tốt hơn xưa, hoa trái xum xuê. Có một lão nông đi ngang qua thấy cây đào trĩu quả, ăn vào lại thấy thơm ngon khác thường bèn lấy hạt ươm thành cả một vạt rừng đào, nó trở thành thứ quả đặc sản nổi tiếng khắp vùng.

Những người qua lại chẳng ai biết đến một cây mận đã từng sống chung một mảnh đất, uống cùng một nguồn nước với cây đào gốc kể trên để hiểu được rằng nếu không có sự hy sinh của Mận sẽ chẳng có cây đào nào và càng chẳng có một rừng đào mang lại danh tiếng cho cả một vùng.

2. Cốt lõi kế sách
Kế sách “Bỏ mận giữ đào” hàm ý rằng: Nếu phải hy sinh hãy biết hy sinh cái nhỏ để bảo vệ cái lớn hơn.

3. Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh
Người làm ăn khi gặp rủi ro kinh doanh phải biết hy sinh cái thiệt hại nhỏ hơn để giữ lấy toàn cục.

MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH
1. Chấp nhận hy sinh cái nhỏ, thu được lãi lớn
Nhà máy bơm An Huy (Trung Quốc) chuyên sản xuất loại bơm dùng để bơm dầu Diesel và Fuel, do bị cạnh tranh ghê gớm nên tình hình tiêu thụ giảm mạnh.
Qua điều tra, nhà máy biết được đa số vùng nông thôn dùng loại bơm 75 mà các nhà máy khác không quan tâm. Lập tức, An Huy tạm dừng mặt hàng đang có để sản xuất loại 75-80. Thoạt đầu, việc đổi mặt hàng khiến nhà máy phải chịu những tổn thất không nhỏ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm mới đã được đón nhận với mức sản xuất hàng tháng 2 vạn chiếc, hơn nữa nhà máy còn thiết lập được mối quan hệ sản xuất tiêu thụ ổn định lâu dài với công ty nông nghiệp của 260 huyện.

2.Tặng bếp dầu miễn phí cứu được công ty
Hồi đầu thế kỷ 20, khi nước Mỹ vẫn còn đang dùng bếp than thì có một công ty Mỹ chuyển sang kinh doanh dầu hỏa và bếp dầu. Khi mới thành lập, do chưa có kinh nghiệm công ty đã vội vã nhập về thật nhiều dầu và cho sản xuất  thật nhiều bếp dầu.  Đồng thời không tiếc tiền của để quảng cáo rầm rộ, tuyên truyền những ưu điểm vượt trội của sản phẩm. Vậy nhưng đã quá quen với bếp than, dân Mỹ không bận tâm đến bếp dầu của công ty nọ. Kế hoạch không được như ý, hàng hóa ứ đọng, công ty đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước tình thế đó, không cam chịu thất bại, giám đốc công ty nghiền ngẫm và nảy ra một kế sách khá quyết liệt. Hy sinh số bếp dầu đã sản xuất với hy vọng sẽ tiêu thụ được số dầu trong kho và tạo dựng thị trường lâu dài. Nghĩ sao làm vậy, vị giám đốc của công ty sai nhân viên đem bếp dầu đến tận các nhà tặng cho khách hàng. Các nhân viên không hiểu thì đều cho rằng ông chủ của mình không bình thường nhưng vẫn phải vâng lệnh thi hành.

Khách hàng được tặng bếp dầu miễn phí thì rất khoái chí, không ai khước từ. Thậm chí họ còn gọi điện thoại tới tấp đến công ty để xin bếp. Lúc đó đồ dùng nấu nướng chưa được hiện đại hóa, các bà nội trợ chỉ dùng bếp than hoặc bếp củi để nấu nướng, do vậy bếp dầu tỏ ra có ưu điểm vượt trội hơn hẳn.

Chẳng bao lâu bếp dùng để tặng đã hết sạch, cùng lúc đó đó các bếp được tặng đều đã dùng hết dầu. Các bà nội trợ buộc phải đến công ty mua dầu với giá không bớt một xu bởi vì dùng quen bếp dầu rồi. Dần dà bếp cũ đi phải thay cái mới. Cứ như vậy, công ty đã tiêu thụ được cả dầu lẫn bếp với số lượng lớn.
3. Mô hình kinh tế trang trại ở Phú Thọ
Anh Đỗ Quốc Dũng người ở Thị trấn Phong Châu, Phù Ninh, Phú Thọ, năm 82 từ quân ngũ trở về, làm công nhân phụ trách nguyên liệu trong Công ty Giấy Bãi Bằng. Trong thời gian làm việc, nhận ra cầu nối giữa những cánh rừng và kho nguyên liệu là rất quan trọng, anh lập ra một đội vận tải chuyên vận chuyển nguyên liệu thuê từ những vùng như Tuyên Quang, Yên Bái về đồng bằng, vừa để mua gom nguyên liệu từ bà con về bán cho các đầu mối kinh doanh.

Tuy thế, trang trại vẫn là mô hình kinh tế anh Dũng ham thích và mong muốn phát triển. Năm 2000, anh nhận khoán 6,2 ha đất đồi cằn đã qua 3 đến 4 chu kỳ bạch đàn. Bắt đầu là những gốc nhãn, vải và xoài với hy vọng thu hoạch trái cây tăng thêm tài chính cho gia đình.. Thêm vào đó, anh Dũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại. Khởi đầu là thuận lợi với 40 con lợn nái ngoại. Nhưng muốn phát triển đồng bộ cả trồng trọt và chăn nuôi, công việc không hề đơn giản. Vấn đề vốn được đặt ra. Những tài sản của gia đình phải bán đi nhưng không đủ duy trì đến lúc có được nguồn thu từ kinh tế trang trại. Lúc đó, anh Dũng đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa một bên là đội kinh doanh vận tải đã ổn định với một bên là hệ thống trang trại đang đợi vốn.

Vững tin vào tương lai của mô hình kinh tế trang trại, vì nếu phát triển đồng bộ và song hành chăn nuôi với trồng cây, chắc chắn sẽ có lợi nhuận rất tốt. 3000 gốc quả lại đang ra hoa. Về kinh doanh vận tải, dù là lĩnh vực đã ổn định, những mối khách quen vẫn còn, nhưng nếu mở rộng hơn nữa vẫn có sự giới hạn về qui mô cũng như nhu cầu thị trường. “Giữ trang trại thì sẽ phát triển”, anh Dũng đã suy tư, cân nhắc và đi đến quyết định quan trọng là hy sinh lĩnh vực kinh doanh vận tải, cả đội xe cùng những mối làm ăn được chuyển nhượng, số tiền được đầu tư hoàn toàn vào lợn giống và cây ăn trái.

Cho đến nay, nhờ vào quyết định sáng suốt đó mà anh Quốc Dũng đã thành công trong mô hình trang trại của mình. Trang trại nuôi lợn của anh có quy mô 150 nái ngoại và 1.000 lợn thịt các loại với mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm anh xuất khẩu hơn 100 tấn lợn giống và 30 đến 40 tấn lợn thịt. Mức thu nhập của gia đình anh lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm

*Cách thức áp dụng kế sách 
Như thế, người làm ăn gặp những tình huống không thuận lợi trong kinh doanh, nếu buộc phải lựa chọn và hy sinh, thì hãy biết hy sinh cái nhỏ hơn để bảo vệ cái lớn hơn, cái sẽ mang lại tương lai tốt hơn. Quyết định đúng đắn của anh Đỗ Quốc Dũng đã đem lại thành công cho anh, cho mô hình kinh tế trang trại và cả kinh tế vùng Phú Thọ. Đó là điểm mấu chốt của bí quyết kinh doanh với tên gọi “Bỏ mận giữ đào”.

0 comments:

Post a Comment