Pages

Subscribe:

Friday, July 12, 2013

KHÔNG THÀNH KẾ

Kế sách "Không thành kế" là kế sách thứ tư trong nhóm kế sách "Nghi binh".
KHÔNG THÀNH KẾ


1. Câu chuyện xuất xứ
Vào cuối thời Tam Quốc ở Trung Hoa, Tư Mã Ý nổi lên như một trụ cột của nhà Ngụy. Bên nhà Tây Thục, Gia Cát Khổng Minh đem hết tâm huyết để thực hiện tâm nguyện của Lưu Bị là khôi phục nhà Hậu Hán nên liên tiếp đưa quân ra đánh Hán Trung để tiến về Trung Nguyên. Mặc dù đã thắng nhiều trận oanh liệt nhưng mưu sự vẫn chưa thành bởi đối thủ của ông, Tư

Mã Ý cũng là một con người kiệt xuất, văn võ song toàn. Hai bên giằng co nhau hết năm này sang năm khác.

Mùa xuân năm ấy, sau khi chuẩn bị đầy đủ binh lực, hậu cần chu đáo, Khổng Minh lại đưa quân ra Hán Trung. Sau khi thắng một số trận đầu, Khổng Minh vào ải Dương Bình, một thành lũy nhỏ để trú chân và chia quân đi đánh các thành. Được tin, Tư
Mã Ý lập tức thần tốc đem đại binh tiến về Dương Bình với quyết tâm bắt sống Khổng Minh, xóa sổ nước Thục.

Tin dữ bay về, các quan văn võ trong thành sợ tái mặt. Đại tướng Ngụy Diên lại vừa đem quân rời thành, gọi về cũng không kịp. Trong thành lúc đó chỉ còn hơn một nghìn người trấn thủ. Trong lúc tình thế nguy cấp như vậy, Gia Cát Lượng hết sức bình tĩnh. Ông đã quyết đoán, táo bạo thực thi kế sách.

 Đội tiên phong của quân Ngụy ập tới thành Dương Bình. Chúng hết sức bất ngờ trước cảnh yên tĩnh thanh bình ở đây. Bốn cổng thành mở toang. Trước cổng những người dân (do lính đóng giả) đang bình tĩnh quét dọn. Từ ngạc nhiên đến nghi ngờ, chúng không dám tiến vào mà vội báo tin cho Tư Mã Ý. Đang đắc chí tin rằng phen này Khổng Minh nhất định sẽ bại dưới tay mình, nghe báo vậy Ý nửa tin nửa ngờ, vội tiến nhanh đến Dương Bình. Đến nơi, Tư Mã Ý vô cùng kinh ngạc khi tận mắt thấy cảnh những người dân đang thong thả quét dọn, xung quanh không một bóng người. Rồi trong không trung bỗng vẳng lên tiếng đàn tao nhã. Nhìn lên thành, Ý thấy Gia cát Lượng đang thư thái gẩy đàn. Hai tiểu đồng đứng hầu hai bên.

Vô cùng sửng sốt, càng nhìn Tư Mã Ý càng thấy hoài nghi, càng nghĩ càng thấy kinh sợ. Bởi Gia Cát Lượng bình sinh vốn dĩ là người cực kỳ cẩn trọng, hôm nay để xông xênh mở rộng cả bốn cổng thành tất là có quân mai phục. Chợt tỉnh ngộ Ý cuống cuồng quay ngựa bỏ chạy trối chết, theo sau là đoàn quân tháo chạy toán loạn. Cho đến khi có người giữ lại cương ngựa, Tư Mã Ý vẫn như mê mê tỉnh tỉnh hỏi “Đầu ta còn không?”. Về sau, khi Tư Mã Ý biết đã trúng kế của Khổng Minh thì quân tướng nhà Thục đã tập hợp về đầy đủ. Gia Cát Thừa tướng tiếp tục điều binh khiển tướng thắng lợi và để lại cho hậu thế những chiến tích đầy huyền thoại.

2. Cốt lõi kế sách 
 “Không thành kế” là bài học sâu sắc về sự bình tĩnh, quả cảm quyết đoán trong tình cảnh sa cơ trước đối thủ vô cùng mạnh mẽ. Trí tuệ và bản lĩnh phi thường của người dụng mưu (Khổng Minh)  đã làm đối thủ không thể ngờ, không thể tin nổi vào tình cảnh cô cùng bi đát của ông, vì vậy không những không dám tấn công mà còn sợ sa bẫy mà cuống cuồng đào thoát. Nhờ vậy, Khổng Minh đã có đủ thời gian tập trung binh lực trở lại thế mạnh thường có của mình.

3. Ý nghĩa vận dụng trong kinh doanh:
Kế sách để giữ bí mật về thực lực trong những tình huống khó khăn nhất thời nhằm duy trì sự quân bình trong quan hệ đối tác, phát triển kinh doanh ổn định.
MỘT SỐ MINH HỌA VIỆC ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KẾ SÁCH
1. Toshiba quyết không sa thải công nhân

Toshiba là một hãng điện tử nổi tiếng của Nhật Bản. Sau Đại chiến thế giới thứ II, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng thừa. Cũng như các doanh nghiệp khác, Toshiba cũng không tránh được khó khăn chung của nền kinh tế, sản phẩm của họ bị ứ đọng rất nhiều.

Trong tình thế đó, khi cầu vượt cung, nếu Toshiba tiếp tục đầu tư sản xuất sẽ càng tốn chi phí mà hàng sản xuất ra lại không tiêu thụ được. Theo lẽ thường, khi lâm vào khó khăn, doanh nghiệp phải tính đến chuyện cắt giảm sản xuất, giãn nhân công. Nhưng nếu làm vậy, uy tín của Toshiba sẽ giảm sút rất nhiều, tạo kẽ hở cho các đối thủ cạnh tranh lợi dụng. Mặt khác, nền kinh tế rồi sẽ bình ổn trở lại, nhu cầu sử dụng sản phẩm Toshiba vẫn có, nếu cắt giảm nhân công, khi tái sản xuất sẽ rất khó khăn vì phải tuyển dụng, đào tạo người mới. Và quan trọng nhất, biến động này sẽ gây rối loạn nội bộ công ty, suy giảm nghiêm trọng sức mạnh đoàn kết. Như vậy thiệt hại còn lớn hơn nhiều.

Làm thế nào các đối thủ cạnh tranh không lợi dụng tình thế làm suy giảm sức mạnh của Toshiba. Đau đầu nhất là làm thế nào để các khách hàng nước ngoài quen thuộc không mất lòng tin vào tiềm lực Toshiba. Cuối cùng Tổng giám đốc Toshiba đã đi đến một quyết định táo bạo: Cắt giảm sản xuất bằng cách giảm thời gian làm việc xuống còn nửa ngày chứ không sa thải một công nhân. Trong khi đó, họ vẫn phát đủ 100% lương cho công nhân. 

Tin này làm cho các đối thủ của Toshiba kinh ngạc và phải e dè. Khách hàng nước ngoài lại càng vững tin vào thực lực của Toshiba. Bản thân công nhân viên của họ thì vô cùng cảm kích, tin tưởng vào sự lãnh đạo của những người đứng đầu công ty. Toshiba đã giữ vững thành trì của mình trong hoàn cảnh khó khăn nhất, duy trì sản xuất, củng cố tinh thần toàn công ty tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn. 

Quả nhiên, sau một thời gian ngắn, những đơn đặt hàng lớn từ nước ngoài cùng với sự cân bằng trở lại của nền kinh tế đã giúp Toshiba vượt lên mạnh mẽ. Họ không những đủ việc cho tất cả công nhân, thậm chí phải tăng giờ làm và tuyển thêm người, mở rộng sản xuất mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

* Cách thức áp dụng kế sách
Như vậy, Toshiba đã áp dụng rất thành công kế sách “đã trống càng bỏ trống”. Tình hình vốn đang rất khó khăn (thành đang trống) nhưng để giữ thành tức là giữ lòng tin của khách hàng cũng như sức mạnh sản xuất của mình, Toshiba đã mạnh dạn giảm giờ làm nhưng không giảm lương. Việc làm này khiến các đối thủ không còn hoài nghi về thực lực của công ty, lại càng củng cố được sức mạnh nội bộ. Do đó biến cái không lợi thành có lợi, tạo cơ hội phục hồi, cuối cùng thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn.

2. Giam hàng giữ giá đón khách sộp
Công ty xuất nhập khẩu trà Trạm Giang - Trung Quốc luôn dành ưu đãi cho người trồng chè trong việc thu mua nên luôn đảm bảo chất lượng trà, làm ăn rất phát đạt. Năm đó, khu vực miền Nam, chè được mùa lớn, chè dồn về Trạm Giang rất nhiều, song với cách cư xử trước sau, công ty này vẫn nhận thu mua hết. Do vậy, lượng nhập kho rất lớn, gây ra tình trạng ứ đọng hàng, ảnh hưởng lớn đến sự luân chuyển vốn. Bên cạnh đó do được mùa nên giá cả thị trường đang xuống thấp, trong đó lượng lớn nhất là của Trạm Giang, họ là công ty chi phối thị trường. 

Đúng lúc này, công ty nhận được tin một đối tác nước ngoài đang cần một lượng hàng lớn. Thấy đây là một cơ hội rất tốt để tiêu thụ được sản phẩm tránh ứ đọng, thu hồi vốn, Trạm Giang quyết tâm giành mối hàng này. Nhưng nếu để đối tác biết được công ty đang gặp khó khăn về việc tiêu thụ trà búp thì sẽ bất lợi trong đàm phán giá cả. Sau khi suy tính, Trạm Giang đi tới một hành động quyết đoán: giữ lại toàn bộ lượng hàng, ngừng tung thêm hàng ra thị trường và chỉ cung cấp một lượng rất ít tới các đại lý thân cận nhất, chấp nhận giam hàng giam vốn. 

Khi khách hàng đến nơi, dĩ nhiên họ tìm đến công ty chè Trạm Giang, bởi đó là chủ hàng lớn nhất ở đây, hàng hoá nhiều và chất lượng cao. Tuy nhiên mong muốn của họ là mua được chè với giá thấp vì theo tin tức họ nhận được thị trường đang ứ hàng nên xuống giá. Nhưng khi họ đàm phán mua hàng thì bên trạm Giang đưa giá cao hơn họ mong muốn nhiều. Trước thắc mắc của khách, phía Trạm Giang giải thích là tuy được mùa nhưng do hàng chất lượng cao nên được đặt hàng từ nhiều thị trường, vì vậy hàng vẫn không đủ bán.

Bên khách hàng nghi ngờ nên cho người đi tìm hiểu thị trường thì thấy quả là hàng khan hiếm, giá bán vẫn cao bình thường như mọi khi. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuối cùng bên khách hàng đã ký hợp đồng với Trạm Giang theo đúng mức giá mà Trạm Giang đề ra. 

* Cách thức áp dụng kế sách
Công ty xuất nhập khẩu trà đã dùng kế thành không để đối thủ không thể phát hiện khó khăn của mình. Biết rằng cung vượt cầu, chè sẽ xuống giá, khi nhận được đơn hàng lớn, công ty chè đã chủ động giữ hàng, tạo ra sự thiếu hụt trên thị trường, làm đối tác nước ngoài nọ tin rằng hàng đang thiếu, không dám ép giá thấp.

3. Hợp đồng không lời
Có một công ty dệt may ở Hà Nội, làm ăn có uy tín, công việc kinh doanh thuận lợi nên vị giám đốc muốn mở rộng sản xuất, dồn toàn bộ vốn và vay thêm ngân hàng để xây một nhà máy sản xuất lớn trong khu công nghiệp. Đúng lúc đó, công ty này nhận được đơn hàng rất lớn từ một công ty dệt may nổi tiếng thế giới. Nhưng toàn bộ vốn liếng đã dồn vào xây dựng nhà máy mới.

Công ty Hà Nội này rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì đây là một khách hàng rất lớn, nếu ký được hợp đồng sẽ có nguồn tiêu thụ hàng lớn và ổn định. Hơn nữa, nếu từ chối thì vị khách này sẽ chuyển sang đặt hàng một công ty khác. Công ty của anh ta sẽ bị đánh giá là không đủ năng lực sản xuất, nhất là trong khi các đối cạnh tranh đang tung tin về khó khăn của công ty, uy tín của họ sẽ bị giảm sút nghiêm trọng trên thị trường.

Vị giám đốc trăn trở suy nghĩ và anh ta đã ra một quyết định mà bản thân anh cũng không biết mình đang áp dụng “không thành kế”. 

Anh ta bay vào TP Hồ Chí Minh, đến đặt vấn đề với một xưởng sản xuất có cơ sở vật chất, nhân sự đảm bảo. Anh ta chuyển tất cả những quyền lợi mà đối tác nước ngoài dành cho công ty mình cho cơ sở sản xuất này, kể cả giá cả, điều kiện sản xuất, giao hàng … mà không lấy chênh lệch một đồng nào. Thêm vào đó, anh ta còn cho người của mình giám sát, đôn đốc để cơ sở này sản xuất đúng theo tiêu chuẩn mẫu đặt và kịp thời hạn giao hàng. Nhận được đơn hàng lớn, xưởng sản xuất TP HCM đã cố gắng hết sức. Công ty Hà Nội nhờ thế đảm bảo giao hàng đúng tiêu chuẩn, đúng thời hạn cho khách nước ngoài. Điều này đã đánh tan mọi nghi ngờ của vị khách về tiềm lực của công ty này.

Trong thời gian này, anh ta vẫn tích cực đẩy mạnh xây dựng nhà máy mới. Khi lãnh đạo hãng dệt may nước ngoài tới Việt Nam khảo sát công ty này để quyết định ký tiếp những hợp đồng dài hạn hơn thì nhà máy mới cũng kịp hoàn thành, bước vào sản xuất. Họ rất hài lòng và quyết định làm ăn lâu dài với công ty dệt may này của Việt Nam.

Việc mở rộng sản xuất hoàn thành, công ty không những có nguồn tiêu thụ hàng lớn, mà tiếng tăm của họ cũng lên rất nhanh. Nhờ thế, nhà máy mới xây dựng của họ ngay lập tức nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mới. 

* Cách thức áp dụng kế sách
Để giữ chữ tín, xoá tan nghi ngờ về thực lực của công ty và giữ chân khách hàng, doanh nhân này đã phải chuyển toàn bộ lợi nhuận của mình cho một cơ sở khác để giải quyết cấp bách khó khăn trước mắt và kéo dài thời gian để hoàn thành đầu tư mở rộng. Kết quả anh ta vừa xoá tan nghi ngờ của đối tác vừa khẳng định tiềm lực và uy tín với họ và mở ra thị trường tiêu thụ rất lớn cho công ty dệt may này. Và đây mới chính là trận phản công thực sự của công ty này.

4. Thất thu nhưng vẫn tặng quà
Ở Ý có một công ty kinh doanh bóng đèn điện nổi tiếng có tên là Solei, đang kinh doanh thuận lợi thì gặp phải rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu. Không những sức mua hàng hóa giảm, việc cắt giảm lượng điện tiêu thụ cũng là nguyên nhân khiến bóng đèn điện của Solei cũng không tiêu thụ được, một lượng vốn lớn bị ứ đọng. 

Vốn rất có uy tín trên thị trường nên lúc này Solei vẫn nhận được một đơn đặt hàng lớn của một công ty Mỹ. Đây thực sự là một cơ hội ngàn vàng giúp công ty này mở rộng xuất khẩu để tiêu thụ hàng hoá tồn đọng và thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Khi biết được tin có một khách hàng lớn từ Mỹ, các đối thủ cạnh tranh của Solei tìm cách nhảy vào tranh giành vị khách hàng này. Họ tung tin Solei không đủ năng lực sản xuất làm khách hàng Mỹ phân vân và Solei sẽ bị ép giá trên bàn đàm phán. 

Trong tình thế khó khăn như vậy, giám đốc của Solei đã ra một quyết định rất quyết đoán. Ông biết rằng mặc dù nền kinh tế đang ở thời điểm khó khăn nhưng nhu cầu thắp đèn điện vẫn rất cần.

Ông đã tìm đến một người bạn là giám đốc công ty chuyên sản xuất pin khô mua chịu 2 vạn pin khô, và mở đợt khuyến mại lớn, tặng kèm 2 vạn pin khô cho khách hàng mua bóng đèn cũng giống như việc cung cấp nguồn điện cho khách hàng mặc dù rất nhỏ. Một mặt ông cho tập trung khôi phục sản xuất. 

Đợt khuyến mại lớn này đã làm khách hàng dồn vào mua sản phẩm của Solei. Vì thế việc buôn bán của công ty trở nên tấp nập. Đối tác Mỹ vì thế không còn e ngại gì về thực lực của Solei mà nhanh chóng ký kết hợp đồng. 

Cũng nhờ đợt khuyến mại này, sản phẩm tồn kho vì thế mà bán chạy. Công ty Solei đã thu hồi được vốn kịp đầu tư lô hàng mới để xuất khẩu. Như vậy họ không chỉ thoát khỏi khủng hoảng mà còn tạo thêm nhiều đơn hàng mới, và thương hiệu Solei nổi tiếng không chỉ tại Ý mà còn ở nhiều nước khác.

* Cách thức áp dụng kế sách
Trong thời điểm khó khăn, Công ty Solei đã dũng cảm tặng món quà có giá trị lớn cho khách hàng tìm ra lời giải cho bài toán thiếu điện. Điều này làm cho khách hàng hết sức cảm kích, nâng cao uy tín và danh tiếng của họ trước khách hàng. Đồng thời là lời khẳng định thực lực, giúp họ thành công trong vụ đàm phán với khách hàng Mỹ. Tạo ra nguồn tiêu thụ lớn từ bên ngoài, là con đường giúp Solei nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và phát triển

5. Làm ăn thất bát thì... rủ bạn đi chơi
Đầu thế kỷ 20, công ty dầu mỏ Boanicade kinh doanh rất thành công trên đất Mỹ. Ở Trung Đông họ đã hợp tác với một công ty dầu mỏ của Anh để giành quyền chi phối một trong những mỏ dầu lớn ở khu vực này. Đây là một dự án mang lại nguồn lợi lớn, nhưng cũng đòi hỏi nguồn đầu tư rất cao. Sau một thời gian hợp tác, hai công ty nảy sinh bất đồng trong kinh doanh nên quyết định ngừng hợp tác. Tình thế đó buộc Boanicade phải chuyển hướng đầu tư kinh doanh sang hướng khác.

Đúng vào thời điểm đó, tháng 10 năm 1915 ở bang Halamalas của Mỹ có một giếng dầu được đưa ra bán đấu giá. Đây là mỏ dầu được đánh giá là có trữ lượng rất lớn và chất lượng dầu đạt chất lượng cao. Công ty nào chiếm được quyền khai thác mỏ dầu này đồng nghĩa với việc họ giành được quyền chi phối thị trường dầu mỏ Mỹ bởi sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận chuyển so với việc phải tốn kém khi chở dầu từ Trung Đông về Mỹ. 

Lẽ dĩ nhiên là Boanicade không bao giờ có thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng này. Nhưng thất trớ trêu là cơ hội đến vào thời điểm mà nguồn lực của Boanicade đang bị giam tại Trung Đông, và điều này thì không phải là một bí mật trong giới dầu lửa thời đó. Có một nghịch lý là nếu tham gia đấu thầu trong tư thế nghèo vốn, chắc chắn sẽ bị đối thủ cạnh tranh ép giá tới cùng và khó có cơ thắng lợi. Trong khi chỉ cần trúng thầu thì sẽ vô số ngân hàng đến mời vay vốn!!! 

Quả thực lúc này nghe phong phanh về khó khăn của Boanicade, nhiều đối thủ cạnh tranh là công ty dầu mỏ rất nhiều nước khác đã đổ xô vào cuộc đấu giá, trong đó có một số công ty cỡ lớn có lượng vốn hùng hậu, chuẩn bị rất chu đáo các kế hoạch để giành lấy quyền khai thác mỏ dầu này.

Lạ thay, trong khi các đối thủ đang hối hả chuẩn bị cho trận quyết chiến tại sàn đấu giá thì Tổng giám đốc của Boanicade lại ung dung đi đánh Golf với một người bạn là chủ một ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thời đó. Tin tức lan ra, các đối thủ hết sức phân vân và bắt đầu ngờ rằng đằng sau lưng Boanicade là một tiềm lực tài chính cực mạnh. Trong phiên đấu giá, với sự “tháp tùng” của ông chủ ngân hàng nọ, Tổng giám đốc Boanicade tự tin tham gia và ngay từ khi vào cuộc đã lập tức đẩy giá lên cao hẳn, trái với các qui tắc bình thường. Điều đó khiến các đối thủ của Boanicade càng tin chắc tiềm lực cũng như quyết tâm của đội Boanicade – Ngân hàng trong trận đấu thầu.

Chính điều đó đã làm cho các đối thủ nhụt chí và Boanicade giành chiến thắng trong một tầm giá tốt ngoài mong đợi. Với chiến thắng này, Boanicade nhanh chóng nhận được nhiều nguồn trợ giúp tài chính và nhanh chóng vượt lên trở lại trên thị trường dầu mỏ Hoa Kỳ thời đó.

0 comments:

Post a Comment