Pages

Subscribe:

Friday, July 12, 2013

BÍ MẬT NỎ THẦN

"Bí mật nỏ thần" là kế sách thứ nhất trong nhóm kế sách "Bảo toàn kinh doanh"
BÍ MẬT NỎ THẦN

1. Câu chuyện xuất xứ: Chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy
Vào năm 257 trước Công Nguyên, Thục Phán An Dương Vương lên ngôi, đổi tên nước thành Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê và cho xây Loa Thành.
Nhờ thần Kim Quy cho cái móng để chế thành cái lẫy nỏ, biến nỏ thành nỏ thần, chỉ cần bắn một mũi tên cũng giết được cả ngàn quân địch nên khi Triệu Ðà, một quan úy ở quận Nam Hải muốn kéo sang định thôn tính Âu Lạc, An Dương Vương đều chiến thắng. Triệu Ðà bèn giả kế kết thân, cưới con gái của An

Dương vương là Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy để nhờ đó mà do thám tình hình. Sau khi đã thành vợ chồng, Trọng Thủy dò hỏi vợ nguyên do nhờ đâu mà nước Âu Lạc không ai đánh được. Mỵ Châu vì tin chồng nên thật tình đem chuyện nỏ thần ra kể và còn lén chỉ cho Trọng Thủy xem chiếc nỏ. Trọng Thủy biết được điều bí mật này liền làm một cái lẫy nỏ giả tráo vào nỏ thần. Sau đó Trọng Thủy viện cớ về thăm nhà để trở về Nam Hải báo cáo sự tình với cha mình.

Triệu Ðà sau khi được Trọng Thủy về báo, cả mừng, bèn khởi binh sang đánh Âu Lạc. An Dương vương cậy có nỏ thần nên không phòng bị gì cả, đợi giặc đến chân thành mới đem nỏ thần ra bắn thì thấy không còn linh nghiệm nữa. Giặc tràn vào thành. An Dương Vương vội kéo Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn. Mỵ Châu nhớ lời hẹn với chồng khi chia tay nên lén rắc những chiếc lông ngỗng trên đường. Chạy đến bờ biển thì cùng đường, An Dương Vương bèn khấn thần Kim Quy đến cứu. Thần Kim Quy hiện lên, bảo An Dương Vương rằng 'Giặc ở đằng sau lưng nhà vua đấy! '. An Dương Vương hiểu ra sự tình, tức giận rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn.

Còn Trọng Thuỷ một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng tìm đến chỗ Mỵ Châu nằm chết. Trọng Thủy chỉ còn biết đem xác vợ về an táng, sau đó vì đau buồn nhảy xuống cái giếng ở trong Loa Thành tự tử. Thế là chỉ vì cả tin mà An Dương Vương mất nước vào tay Triệu Đà.

2. Cốt lõi kế sách
Chuyện nỏ thần là một bài học đắt giá cho sự mất cảnh giác để lộ và bị mất đi bí quyết sức mạnh riêng dẫn đến thất bại thảm hại của một triều đại vốn một thời oai hùng.

3. Áp dụng trong kinh doanh
Trong kinh doanh, những bí quyết kinh doanh, công nghệ quản lý, công nghệ sản xuất là những tài sản vô giá cho những ai giành được nó. Ngược lại sẽ dẫn tới những hậu quả tồi tệ, thậm chí diệt vong cho những ai mất cảnh giác không biết gìn giữ bí mật quý giá của mình..
MỘT SỐ BÀI HỌC VỀ  KẾ SÁCH “BÍ MẬT NỎ THẦN”
1. Người Nhật đi “mua” công nghệ sản xuất xe máy
Trước kia nền công nghiệp xe máy của Nhật vốn rất lạc hậu. Trong khi đó, nền công nghiệp của các nước phương Tây đang tiến rất xa. Để phát triển nền công nghiệp của mình, Nhật Bản muốn có cơ hội để học hỏi tham khảo. Nhưng những nhà sản xuất nước ngoài không dễ dàng chuyển giao kỹ thuật cho đối thủ. Cuối cùng người Nhật đã có một sáng kiến tuyệt diệu : tổ chức vài đoàn đi khảo sát nước ngoài, đến đâu cũng đóng vai là khách mua cỡ lớn để bàn chuyện mua bán. Các xí nghiệp nước ngoài đều muốn bán được hàng lớn cho khách Nhật nên đã đưa họ đi tham quan nơi sản xuất, giới thiệu các vấn đề kỹ thuật cho họ. Ai ngờ khách Nhật tham quan rất kỹ, hỏi han thu lượm được rất nhiều tài liệu về khoa học kỹ thuật và trên 170 mẫu máy cái. Khi về nước, họ nghiên cứu, so sánh, chắt lọc cái hay của xe máy các nước. Kết quả là, nền công nghiệp xe máy Nhật Bản có thể tự thiết kế ra các loại xe máy có tính năng ưu việt, hình dáng đẹp mắt và ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường.

*Cách thức áp dụng kế sách 
Trong kinh doanh, bí quyết kinh doanh hay dây chuyền công nghệ là một trong những yếu tố bảo mật, tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Chính vì vậy việc thăm quan học hỏi các vấn đề về kỹ thuật luôn được các nhà sản xuất coi trọng, đặc biệt là những ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị. Các nhà sản xuất xe máy Nhật Bản đã tìm được cách khá khôn ngoan để hỏi han thu lượm được tài liệu khoa học kỹ thuật để tham khảo. Dựa vào mong muốn bán hàng của các doang nghiệp, các nhà sản xuất Nhật Bản công khai “ qua biển” tiếp cận được dây chuyền sản xuất, lại được trực tiếp giới thiệu công nghệ mới mà đối tác không hề hay biết mục đích thật sự ẩn giấu trong đó.

2. Những bài học bị bỏ quên
Vào những năm 1760, tại Anh nổ ra cuộc cách mạng công nghiệp , ngành dệt tiến bước mạnh mẽ, dẫn đầu thế giới. Do vậy, rất nhiều quốc gia tìm cách đánh cắp kỹ thuật dệt của Anh. Để bảo vệ địa vị lũng đoạn của ngành dệt, nước Anh cấm không được phổ biến ra nước ngoài kỹ thuật dệt. Tuy nhiên, năm 1870, do chủ quan, một xưởng dệt Anh đã cho một người Mỹ tên là Sam Schneide vào tham quan, người này sau đó đã bí mật vẽ sơ đồ xưởng máy và trở về nước xây dựng xưởng dệt tiên tiến đầu tiên của Mỹ. Vài chục năm sau, Schneide đã gây dựng được cơ nghiệp từ nghề dệt và trở thành triệu phú, góp phần vào sự lớn mạnh của ngành công nghiệp dệt nước mình. Chẳng bao lâu, Mỹ đã trở thành đối thủ cạnh tranh lợi hại của Anh về công nghiệp dệt may.

Bài học trên đã bị người Anh bỏ quên. Vào giữa thế kỷ 19, công ty dệt nổi tiếng của Anh là Prache phát triển rất mạnh, sản phẩm bán khắp thế giới, vì vậy đã thu hút sự chú ý của người Nhật. Năm đó, ở ngay sát nhà máy của Prache mọc lên một quán Nhật. Do món ăn ngon, giá rẻ, thái độ phục vụ tốt mà quán này đã thu hút được công nhân viên cũng như các kỹ sư cao cấp của công ty Prache. Chẳng bao lâu, quan hệ giữa công ty và quán ăn trở nên mật thiết. Đúng lúc này quán ăn đột nhiên tuyên bố bị thua lỗ phải đóng cửa. Chủ quán và nhân viên nhờ sự quen biết với các kỹ sư và cán bộ cao cấp đã được nhận vào làm tại Prache.

Phía công ty Prache không thể ngờ được rằng nhân viên phục vụ của quán thực ra toàn là các chuyên gia dệt tầm cỡ của Nhật. Được nhận vào làm việc, những người Nhật này đã ghi nhớ lại cấu tạo, chi tiết các bộ phận của máy dệt. Và không có gì ngạc nhiên khi vài năm sau người Nhật đã chế tạo được máy dệt tiên tiến, cải tạo kỹ thuật dệt, tạo ra sản phẩm có tiếng tăm trên thế giới.

*Cách thức áp dụng kế sách:
Xung quanh bạn luôn có vô vàn đối thủ thường trực muốn tranh giành vị thế mà bạn đang có. Bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, đối thủ có thể lấy cắp bí mật kinh doanh của bạn nhiều lần.Vì vậy, công tác bảo mật phải được nâng cấp liên tục, phải tiến hành thường xuyên và lâu dài. Mất bí mật sản phẩm thì việc kinh doanh sẽ mất sức sống, thậm chí mất toàn bộ thị trường. Do vậy, người làm ăn phải luôn cảnh giác mọi lúc mọi nơi.

3. Liên Xô “mua” công nghệ chế tạo hợp kim của Mỹ
Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới về chế tạo máy bay. Xét về thực lực, Liên Xô không thể bằng Mỹ. Tuy nhiên, sự kiện Liên Xô chế tạo thành công máy bay phản lực chở khách cỡ lớn Ilyusin đã đưa nước này vượt lên ngang tầm với cường quốc chế tạo máy bay số 1 Hoa Kỳ. Liệu kỹ thuật chế tạo máy bay của Liên Xô trong thời gian ngắn lại có thể phát triển vượt bậc như thế? Bí mật của thành công này được lý giải như sau:

Để biến giấc mơ vươn lên ngang tầm với Mỹ về chế tạo máy bay, Liên Xô đã nghĩ ra một cách. Năm 1973, Liên Xô đã bắn tin sang Mỹ rằng họ dự định chọn một công ty chế tạo máy bay Mỹ xây dựng xưởng đóng máy bay phản lực chở khách lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm là 100 máy bay cỡ lớn. Nếu điều kiện công ty Mỹ không thích hợp thì họ sẽ làm việc với công ty Tây Đức hoặc Anh về hợp đồng trị giá 300 triệu USD này. Thông tin trên đã gây ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa ba hãng chế tạo máy bay lớn nhất của Mỹ là Boing, Locheed và Douglas.

Công ty Boing muốn giành được hợp đồng đã đồng ý với yêu cầu của Liên Xô là nhận 20 chuyên gia Liên Xô sang Mỹ khảo sát xưởng đóng máy bay. Các chuyên gia Liên Xô được Boing đãi như thượng khách, không những được tham quan tỉ mỉ dây chuyền lắp ráp máy bay mà còn được khảo sát cả phòng thí nghiệm. Họ đã chụp hàng nghìn bức ảnh, thu lượm được vô số tư liệu. Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất mà Liên Xô muốn có được là bí mật về loại hợp kim chế tạo máy bay. Không ai ngờ được rằng các chuyên gia Liên Xô khi đến tham quan xưởng đã đi một loại giày đặc biệt, đế giày có gắn bộ phận hút được các vụn kim loại từ các bộ phận máy bay rơi xuống. Họ đã mang các vụn kim loại đó về nước phân tích và lấy được bí mật chế tạo hợp kim, đồng thời toàn bộ kế hoạch chế tạo máy bay chở khách cỡ lớn của công ty Boing bị thâu tóm.

*Cách thức áp dụng kế sách:
Trên thương trường, dù bạn đã đạt được vị trí lớn mạnh nhất thì cũng không thể chủ quan. Nếu không tỉnh táo đề phòng sẽ bị đối phương lấy mất bí quyết kinh doanh bất cứ lúc nào, như vậy cơ hội để bạn gây dựng lại vị thế sẽ khó khăn hơn gấp bội phần.

4. Nối giáo cho giặc
Asia Breweries và San Miguel là 2 hãng bia nổi tiếng nhất ở Philippines. Chúng luôn cạnh tranh nhau quyết liệt nhằm chiếm được thị trường nội địa. Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Asia Breweries quyết định cho ra đời dòng sản phẩm đặc biệt là Beer Hausen với mục tiêu đánh bại đối thủ. Loại bia này rất cao cấp với đầu chai bọc giấy thiếc vàng. Mọi khâu sản xuất được giữ bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, đến công đoạn cuối cùng là sản xuất bao bì thì Asia Breweries hoàn toàn bó tay vì chỉ có duy nhất phân xưởng bao bì của San Miguel mới có thể cung cấp chai, nắp và bọc đầu chai giấy thiếc vàng. Để có được thiết kế bao bì như yêu cầu, Asia Breweries đành phải tiết lộ kế hoạch cho đối thủ của mình.

Thật không ngờ, đúng hai tháng trước khi Beer Hausen của Asia Breweries được tung ra thị trường thì San Miguel đã tung ra sản phẩm bia cao cấp là Gold Eagle, cũng được bọc đầu chai bằng giấy thiếc vàng. Thành ra, mọi sự chuẩn bị công phu của Asia Breweries đều đổ sông đổ bể, sản phẩm Beer Hausen xuất hiện chậm chân đã thất bại thảm hại, bị coi là sự nhái lại của bia San Miguel và bị khách hàng từ chối, mặc dầu chính nó là sản phẩm ra đời trước tiên. Một vài năm sau, triều đại của Asia Breweries đã bị sụp đổ.
*Cách thức áp dụng kế sách:
Nếu đã bảo mật thì phải tiến hành bảo mật đến cùng, tới mức khách hàng phải là những người đầu tiên cầm trên tay sản phẩm mới của bạn. Nếu không muốn bị hạ gục trên thương trường, bạn nên nhớ đừng bao giờ giao sinh mạng của mình cho đối thủ cạnh tranh.

5. Gillete … bảo đảm bí mật đến cùng!
Gillette là nhãn hiệu dao cạo râu thịnh hành số 1 và đang chiếm tới 70% thị phần dao cạo râu trên thế giới. Các nhãn hiệu của Gilltte luôn làm lu mờ nhiều sản phẩm của các hãng nổi tiếng khác như Warner Lambert, Schick, Wilkisson, Bic,… Một trong những bí quyết thành công của Gillete là đảm bảo bí mật của sản phẩm mới đến cùng. Sự ra đời của nhãn hiệu Match 3 là một ví dụ.

Để Gillete Match 3 có được thành công như ngày nay, hãng đã mất gần 10 năm nghiên cứu bí mật. Gillete bỏ ra 1,2 tỷ USD cho dự án nghiên cứu sản phẩm, với sự tham gia của gần 500 kỹ sư đến từ đại học Stanford và Viện đại học MIT. Công việc nghiên cứu và chế tạo tuyệt mật đến nỗi Gillete đã nhờ FBI vào cuộc. Hàng ngày các nhân viên của FBI ngoài việc bảo vệ khu vực nghiên cứu thì tại trụ sở FBI hàng loạt các thông tin tình báo được gửi về để tìm ra những điệp viên kinh tế có thể ăn cắp thông tin. Nhờ đó, Gillete đã phát hiện ra một điệp viên của đối thủ cạnh tranh Wright Industries định lẻn vào ăn cắp bản vẽ Gillete Match 3. Bên cạnh đó, một số hacker định tấn công hệ thống mạng nội bộ của Gillete cũng thất bại vì hệ thống bảo vệ của Gillete khá tốt và được FBI nâng cấp thường xuyên.


Sau khi nghiên cứu thành công Match 3, ngay lập tức Gillete xin đăng ký bảo hộ quyền sở hữu sáng chế tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, những thị trường chủ chốt của hãng. Điều đặc biệt là Gillete không xin bảo hộ tổng thể Match 3 mà xin bảo hộ riêng cho từng bộ phận của chiếc dao cạo râu thế hệ mới này. Tất cả đã có đến 38 bộ phận của Match 3 được xin đăng ký bảo hộ độc quyền nên đã hạn chế khá hiệu quả nạn ăn cắp bản quyền sáng chế.

6. Xin miễn tham quan!
Công ty săm lốp Michelin (Pháp) có lịch sử 180 năm nổi tiếng là thần bí nhất Châu Âu. Chuyện kể rằng năm 1964, ngay đến cả tổng thống De Gaulle muốn đến thăm xưởng sản xuất cũng đã bị từ chối. Lý do là công ty muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối những bí mật về thiết kế sản phẩm và kỹ thuật chế tạo của mình. 
Để giữ bí mật kỹ thuật, công ty không những từ chối mọi khách trong nước đến tham quan khảo sát mà ngay cả đối với nội bộ cũng bảo mật nghiêm ngặt. Phân xưởng sản xuất cao su chỉ được giao cho những người thân tín quản lý thiết bị thí nghiệm. Hỗn hợp hữu cơ, nhiệt độ và công thức pha chế cao su thiên nhiên được bảo mật liên tục. Các công đoạn không biết nhau và công ty cũng không cho phép nhân viên đổi cương vị lẫn nhau. Nhờ vậy, công ty Michelin trở thành công ty săm lốp cao su thứ hai thế giới và là đối thủ đáng gờm nhất của công ty Cathay của Mỹ.

7. Bí quyết giữ gìn phấn nụ Huế
Phấn nụ là một loại mỹ phẩm độc nhất vô nhị của Huế. Gia đình bà Trần Thị Tùng, ở số nhà 22 Tô Hiến Thành, TP Huế, chính là một trong những nơi hiếm hoi sản xuất ra loại mĩ phẩm có một không hai này. Hiện bà Tùng đã sang định cư ở Hoa Kỳ, và người em ruột là bà Trần Thị Phương cũng định cư ở TP Hồ Chí Minh. Và cả hai người hiện giờ đều mở tiệm bán phấn nụ ở Mỹ và TP Hồ Chí Minh, năm nào họ cũng phải về Huế một vài lần để sản xuất phấn nụ, sau đó đóng hàng chở đi vì loại phấn này không thể sản xuất được bất cứ nơi nào ngoài Huế.

Khoảng đầu thế kỷ XIX khi Huế trở thành kinh đô của nhà Nguyễn, ở chốn cung đình phấn nụ ra đời để làm đẹp cho các cung tần mỹ nữ. Trải qua hàng trăm năm, công nghệ làm phấn nụ vẫn là một bí mật được cất giấu kỹ. Ðến năm 1945, triều đại phong kiến cuối cùng sụp đổ, các cung nữ ra khỏi cung cấm và nhiều người đã mang theo nghề làm phấn truyền bá trong dân gian. 

Theo bà Trần Thị Phương, bà ngoại của bà là người thị nữ duy nhất được tin tưởng nắm giữ công thức pha chế và trực tiếp sản xuất phấn nụ. Sau khi xuất cung đã truyền nghề lại cho người con gái là Trần Thị Thiểu. Kỹ thuật làm phấn nụ là một nghề gia truyền nên đến nay ngoài người thân trong gia đình không ai được biết công thức pha chế. Trong số 9 người con, bà Thiểu cũng chỉ truyền lại cho người con gái cả là bà Trần Thị Tùng và Trần Thị Phương (thứ 8), hiện cả hai bà này vẫn thực hiện đúng ý nguyện của mẹ mình giữ gìn bí quyết gia truyền. Để có những thỏi phấn nụ thành phẩm đạt chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, tỉ mỉ, tuân thủ các nguyên tắc bất di bất dịch từ đầu cho đến cuối. Sau khi chuẩn bị xong, nguyên liệu được đưa vào phòng kín, lúc này ngoài bà Tùng và bà Phương không ai được vào. 

Hơn nữa chỉ có nước mưa ở Huế mới làm được phấn nụ. Ngoài ra, các vị thuốc bắc cũng chỉ mua được ở những tiệm quen ở Huế, chỉ cần bà Tùng và bà Phương đến, không cần hỏi các cửa hiệu cũng biết 2 bà cần gì và cứ thế cân đủ phân, đủ lạng mang về mà thôi. Ðó cũng là lý do mà hàng năm bà Phương và bà Tùng phải về Huế ít nhất một lần để sản xuất phấn nụ.

Giá phấn nụ ở Huế hiện nay được bán khoảng từ 15.000- 20.000 đồng/ thỏi (ở Mỹ bán với giá từ 15 - 20 USD/ thỏi) chất lượng rất tốt. Khác với các loại mỹ phẩm hiện đại, phấn nụ có tác dụng duy trì sắc đẹp lâu dài, ngăn chặn sự xuất hiện các nếp nhăn và làm mát da rất tốt. Ðiều đặc biệt là phấn nụ không hề có bất cứ phản ứng nào và thích hợp với mọi loại da. Hành trình phấn nụ từ cấm cung bước vào dân gian được lưu truyền qua hậu duệ của những thị nữ, công chúa, cung phi...và đến nay bí mật đó vẫn được cất giữ.
 

0 comments:

Post a Comment